Khi bạn mua một đôi giày đá bóng mới thì cần có thời gian làm quen với nó. Mặc dù ngành sản xuất giày đá bóng hiện nay đã sử dụng nhiều vật liệu da mềm hơn trước đây. Tuy nhiên vẫn không tránh được bị kích chân, đau nhức, thậm chí sưng phù, nổi rộp và xây xước nhẹ khi sử dụng giày đá banh mới. Tình trạng này luôn gặp phải đối với cầu thủ nghiệp dư lẫn cầu thủ chuyên nghiệp. Vậy làm thế nào để làm mềm giày bóng đá mới? Chúng ta hãy cùng xem tiếp nhé.
Các bước làm quen với giày đá bóng mới
Làm quen với giày bóng đá sân cỏ nhân tạo mới là một việc rất quan trọng. Tuy nhiên nhiều người đã không quá chú tâm vào việc này. Điều này sẽ khiến bạn đôi khi gặp vấn đề khi gấp gáp sử dụng mẫu giày mới khó làm quen. Có một sự thật rằng việc bạn bị đau chân, phồng rộp… không phải do chất lượng của đôi giày. Hãy cố gắng làm quen với giày đá bóng mới một cách từ từ và bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái với giày bóng đá mới.
1. Chọn đúng size giày vừa vặn với chân bạn
Hãy đảm bảo rằng bạn đã chọn được đôi giày đá bóng mới có kích thước vừa vặn. Các ngón chân phải duỗi thoải mái và cách mũi giày khoảng 0,5mm (Cầu thủ chuyên nghiệp thích mũi chân chạm kịch vào mũi giày).
Độ kích chân 2 bên phải ở mức độ chịu đựng được. Không nên chọn giày quá thoải mái ở 2 bên cạnh bàn chân. Bởi vì sau quá trình chơi bóng giày sẽ bai giãn ra và bạn sẽ bị lỏng chân, không ôm chân.
2. Làm mềm da chân ở phần tiếp xúc nhiều khi mang giày đá bóng mới
Chúng tôi nhận được phản hồi của một số bạn về việc bàn chân bị phồng rộp, gót chân bị xước khi sử dụng giày đá banh mới. Giải pháp để giải quyết vấn đề này là hãy làm mềm da giày đá bóng phần tiếp xúc nhiều với giày khi sử dụng giày mới.
Hãy bôi kem làm mềm da (ví dụ Vaseline, Gót Sen,…) lên các điểm tiếp xúc. Chẳng hạn như gót chân, ngón chân út và cái, phần trước của lòng bàn chân… Điều này sẽ giúp giảm ma sát giữa giày với da bàn chân của bạn và ngăn ngừa mọng nước hình thành.
3. Tháo lót giày bóng đá mới trong vài trận để làm quen
Bình thường khi sử dụng giày bóng đá mới chắc chắn bạn sẽ gặp cảm giác bị bóp chân do độ ôm của giày. Với những người có kinh nghiệm mang giày rồi họ sẽ hiểu rằng độ ôm chân này sẽ nhanh chóng biến mất khi giày bai giãn ra.
Tuy nhiên nếu gặp phải chất liệu da giày khó bai giãn thì bạn nên tháo lót giày để giảm bớt độ kích chân, bó chân. Việc tháo lót giày là rất cần thiết để bàn chân có thể làm quen với giày mới một cách từ từ. Sau vài trận bóng da giày sẽ mềm, form giày sẽ bai giãn ra và bạn có thể lắp lót giày trở lại.
Lưu ý: Đừng vứt giày đá bóng chỉ vì nó khiến bạn đau chân (Hãy đọc kỹ bài viết này trước đã)
Nếu được hãy mang theo cả giày cũ của bạn, trong trường hợp mang giày vẫn bị đau, kích thì hãy dừng lại và đổi sang đôi giày mới. Trường hợp vẫn bị đau chân khi đã bỏ lót là rất hiếm, thường gặp ở những người có bàn chân bè ngang hoặc mập chân. Bạn nên làm quen từ từ khoảng 10-15 phút mỗi trận sẽ tránh hoàn toàn vấn đề đau chân.
4. Đừng sử dụng tất quá dày khi thử hoặc chơi giày đá banh mới
Nhiều bạn chia sẻ muốn sử dụng tất dày (ví dụ tất chống trơn) khi thử để chọn mua giày đá banh mới. Tuy nhiên điều này là không nên, giày đá bóng mới thường tạo cảm giác kích chân và bó chân nhiều, cùng với lớp da chưa được làm mềm.
Việc sử dụng tất dày để thử giày khiến bạn chọn đôi giày có form quá rộng. Vấn đề sẽ xảy ra sau khi chơi được khoảng 1 tháng, bạn sẽ thấy đôi giày không còn ôm chân, lỏng chân, không thật chân. Để giải quyết vấn đề này chỉ còn cách là ra tiệm xách thêm đôi giày mới và hãy sử dụng tất mỏng hợp để thử nhé.
Cho dù bạn quen sử dụng tất dày vì nó giúp chống trơn trượt trong giày tốt hơn. Tuy nhiên khi sử dụng giày đá banh mới chúng tôi khuyến khích sử dụng tất mỏng để giúp bạn làm quen với giày trước. Khi giày mới còn chật thì sẽ ít gặp tình trạng trơn trượt khi chơi bóng. Việc sử dụng tất mỏng sẽ giúp bạn cảm giác thoải mái hơn, tránh bị đau chân, kích chân trong quá trình chơi bóng.
5. Mang giày bóng đá mới đi lại tự nhiên để làm quen
Sau khi mua giày bóng đá mới, nếu cảm thấy chưa thoải mái với độ bó chân của giày. Hãy thử mang lên chân và đi lại bình thường, có thể đi bộ quanh vườn, công viên, sân bóng… trong những ngày chưa ra sân. Điều này giúp chân bạn có thời gian để làm quen với giày.
Với các loại giày bóng đá đinh cao thì bạn có thể đi lại làm quen ở các mặt sân có thể lún xuống được. Đừng cố gắng mang giày đinh ra đường bê tông vì nó sẽ khiến bạn như đang mang guốc và đinh cũng có thể bị mài mòn nhanh hơn.
6. Làm ấm và mềm da giày đá bóng mới trước khi sử dụng
Làm ấm, nóng da giày đá bóng là một cách hay để làm giày mềm ra và dễ làm quen với chân bạn hơn. Tuy nhiên cách làm mềm da phải tùy vào chất liệu và loại giày đá bóng của bạn. Có thể sử dụng máy sấy, nước nóng… để hơ nhẹ phần da giày (Tránh hơ quá lâu sẽ làm hỏng da hoặc keo giày).
Việc làm ấm da giày sẽ giúp nó mềm hơn và bạn sẽ cảm thấy dễ quen chân hơn. Bạn cũng có thể sử dụng khăn ẩm và nước nóng để làm ẩm nhẹ giúp làm mềm giày đá bóng nhanh hơn.
7. Chọn loại đinh giày phù hợp trước khi ra sân
Có thể bạn đang chơi bóng ở nhiều mặt sân khác nhau. Hãy quan sát điều kiện thời tiết và điều kiện mặt sân để lựa chọn loại đinh giày đá bóng phù hợp nhất. Một mặt sân đẹp có độ lún tốt sẽ cho phép bạn sử dụng giày đinh cao để chơi bóng.
Ngược lại nếu gặp mặt sân xấu vớ cỏ cùn và lì hãy sử dụng giày đinh dăm TF hoặc giày đinh futsal IC để chơi. Với điều kiện trời mưa sân ướt, sử dụng giày đinh cao ví dụ AG, FG, HG sẽ giúp bạn có rất nhiều lợi thế trước đối thủ nhé!
8. Làm sạch và bảo quản giày đá bóng mới
Sau quá trình chơi bóng việc bảo quản và vệ sinh giày đá bóng sẽ giúp bạn giữ trạng thái giày tốt hơn cho trận sau. Hãy làm sạch bụi bẩn nhẹ nhàng bằng vải mềm hoặc miếng bọt biển (Đường cố gắng tẩy vết bẩn của cao su cỏ nhân tạo vì sẽ rất khó). Với các trận bóng gặp trời mưa hãy chú ý làm sạch, lau khô, nhét giấy báo hút ẩm vào trong giày và để nơi khô thoáng.
Việc giày đá bóng gặp mưa ướt là rất nguy hiểm vì nước có thể vào bên trong giày, làm ẩm và lâu ngày có thể làm bung keo giày từ bên trong. Ngoài ra nước và ánh nắng trực tiếp cũng có thể làm hỏng da giày bên ngoài nên hãy tránh phơi giày trực tiếp dưới ánh nắng.
9. Ngâm chân bằng nước ấm sau mỗi trận bóng
Nếu có điều kiện, hãy ngâm chân bằng nước ấm sau mỗi trận bóng. Việc ngâm chân bằng nước ấm sẽ giúp mát xa và làm các mạch máu ở bàn chân lưu thông tốt hơn. Hãy ngâm, xoa bóp chân trong nước ấm pha gừng hoặc muối loãng sẽ giúp bạn thư giản, giảm sưng phồng và tránh nổi rộp. Thời gian ngâm chân hiệu quả nên tối thiểu 30 phút sẽ giúp bạn ở trạng thái tốt nhất sau mỗi trận bóng.
Xem thêm: 9 lời khuyên giúp bạn tránh phồng rộp khi mang giày đá bóng
Hướng dẫn cách break in giày đá bóng mới
Nếu bạn thử xỏ một đôi giày cũ của bạn và thấy vừa vặn thoải mái, da siêu mềm. Đấy là do đôi giày đã được làm mềm và mềm ra trong quá trình chơi bóng. Để đạt được độ vừa vặn, thoải mái cùng với da giày siêu mềm đó thì bạn cần phải làm mềm đôi giày bóng đá mới mua (hay còn gọi là break in).
Lưu ý một đôi giày đá bóng mới mua không bao giờ cho bạn cảm giác thoải mái, mềm như đôi giày cũ của bạn bạn được. Nên hãy chú ý break in giày trước rồi mới đánh giá về độ mềm của da giày bạn nhé.
– Tại sao cần break in giày bóng đá mới?
Để chơi bóng tốt thì một đôi giày ôm chân là yếu tố cực kỳ quan trọng. Các hãng giày đã tính toán độ bai giãn để giày giữ được sự ôm chân sau một thời gian chơi bóng. Chính vì vậy lúc muagiày đá bóng mới bạn sẽ cảm thấy đôi giày bó bó, ôm ôm không hề thoải mái như các loại giày khác.
Đôi giày mới sẽ cần quá trình làm mềm, làm quen Break In để giãn ra theo form bàn chân của từng người khác nhau. Vậy nếu bạn mua giày đá bóng mới hãy chú ý làm mềm, làm quen giày trước nhé.
– Sai lầm khi chọn giày đá bóng quá thoải mái
Nhiều người đã sợ đau và bó đó và lựa chọn size giày lớn hơn để tìm kiếm sự thoải mái. Tuy nhiên đó là sau lầm rất lớn khi chọn mua giày đá bóng. Sau một thời gian ngắn sử dụng đôi giày sẽ bai giãn ra rất nhanh và lúc đó nảy sinh nhiều vấn đề như giày bị thừa mũi, lỏng chân, nhấc gót.
Xem thêm: Cách đo, chọn size giày và bảng quy đổi size giày Nike Adidas
Hướng dẫn làm mềm giày đá bóng đúng cách
1. Xỏ giày vào chân, sử dụng máy sấy để sấy nhẹ vào phần da giày ở 2 bên cạnh bàn chân. Sau đó đi lại và chạy nhảy để giày giãn ra nhanh hơn. (Quá trình này có thể làm nhiều lần).
2. Đổ nước ấm vào chậu nước, mang giày vào và thả chân vào chậu nước. Lưu ý không cho nước trào lên ngấm qua cổ giày để vào trong. Tháo giày ra rồi nhét chặt giấy báo vào trong sau đó treo giày lên nơi khô ráo (Tránh ánh nắng trực tiếp).
Video hướng dẫn cách làm mềm giày đá bóng bằng nước ấm và giấy báo
- Bước 1: Chuẩn bị nước ấm, giấy báo và 1 chậu nước nhỏ.
- Bước 2: Đổ nước ấm vào chậu nước (Không đổ nhiều quá sẽ bị ngập giày).
- Bước 3: Mang vớ dày và xỏ chân vào giày rồi thả cả 2 chân vào chậu nước (Tránh để nước tràn vào giày).
- Bước 4: Cử động, nhún ngón chân và giày, thêm nước ấm vào nếu nước bị nguội đi.
- Bước 5: Sau khoảng 10 phút hãy nhấc chân ra rồi ngay lập tức cởi giày ra.
- Bước 6: Nhé giấy báo thật chặt vào phía bên trong giày, lau nước bên ngoài giày.
- Bước 7: Treo giày lên chỗ khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Bước 8: Tháo giấy báo độn ra và đã hoàn thành quá trình Break In giày bằng nước ấm.
Lưu ý khi chọn mua và làm quen với giày đá banh mới
- Hãy chắc chắn bạn chọn size giày chính xác, cố gắng hạn chế thừa mũi và chấp nhận bó nhẹ 2 bên giày (Có thể bỏ lót giày ra để thử nếu bạn cảm thấy thoải mái là đúng size rồi).
- Mang đôi giày mới của bạn và đi lại quanh nhà, công viên,… khi chưa đến ngày ra sân. (Nên chọn mặt sân lún được để hạn chế bị mòn đinh).
- Nếu giày đá bóng mới bị bó 2 bên quá, hãy bỏ lót giày ra để chơi một vài trận. (Thường các bạn có chân bè ngang nên lưu ý cách này).
- Nên mang theo giày bóng đá cũ ở những trận đầu, thử đá giày mới khoảng 20-30 phút nếu cảm thấy chật hãy đổi giày cũ. Sau vài trận thì sẽ hết cảm giác bị chật ngang.